Sáng 23-4, Bệnh viện Bạch Mai tổ chức tiễn ra viện cho mẹ con sản phụ Bùi Thị Lan Hương, 30 tuổi, có thai 35 tuần tuổi, ở Hoành Bồ (Quảng Ninh) bị viêm phổi nặng do cúm A(H1N1), dẫn đến suy đa phủ tạng nhưng đã được các y bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai cứu chữa.
Sáng 23-4, Bệnh viện Bạch Mai tổ chức tiễn ra viện cho mẹ con sản phụ Bùi Thị Lan Hương, 30 tuổi, có thai 35 tuần tuổi, ở Hoành Bồ (Quảng Ninh) bị viêm phổi nặng do cúm A(H1N1), dẫn đến suy đa phủ tạng nhưng đã được các y bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai cứu chữa.
Có được kết quả trên là do sự tham gia tích cực của hàng trăm cán bộ, thầy thuốc của các khoa: Hồi sức tích cực, Gây mê Hồi sức, Sản, Nhi, Huyết học – Truyền máu, sinh hóa, vi sinh, chẩn đoán hình ảnh, phẫu thuật tim mạch, truyền nhiễm, dược lâm sàng, dinh dưỡng…
Trước đó, từ ngày 18-3, bệnh nhân Hương có biểu hiện của hội chứng cúm (sốt, đau mỏi toàn thân, mệt, vã mồ hôi…) tự điều trị không khỏi. Sau năm ngày tự điều trị không đỡ sốt, ho, khó thở nhiều, người bệnh được đưa vào khám tại Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh). Tại đây người bệnh có biểu hiện suy hô hấp nặng dần; chụp X-quang thấy tổn thương mờ lan tỏa hai phổi, được chẩn đoán viêm phổi nặng nghi do cúm A; phải đặt nội khí quản và chuyển khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bạch Mai).
Bệnh nhân Hương nhập viện Bạch Mai trong tình trạng nguy kịch, suy hô hấp nặng với chẩn đoán hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển- viêm phổi do cúm A, trong khi đang mang thai 35 tuần. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân bị nhiễm virus H1N1. Tuy nhiên, các biện pháp điều trị tích cực như thở máy, dùng thuốc kháng virus sớm, kháng sinh và lọc máu liên tục để loại bỏ các yếu tố làm bệnh nặng thêm…
Bệnh viện Bạch Mai đã hội chẩn toàn viện quyết định mổ lấy thai để cứu thai và mẹ. Cháu bé được hỗ trợ hô hấp cho bé và chuyển xuống Khoa Nhi theo dõi ngay sau mổ. Trong khi đó sản phụ Hương, sức khỏe diễn biến ngày càng xấu đi với tình trạng tổn thương phổi tiến triển nhanh, nguy kịch, không phổi không còn nơi để trao đổi khí.
Trước tình trạng này các bác sĩ đã quyết định áp dụng kĩ thuật “phổi nhân tạo tại giường” (ECMO) cho bệnh nhân. Theo PGS Bình, đây cũng là lần đầu tiên Bệnh viện áp dụng hỗ trợ phổi cho một bệnh nhân tổn thương phổi nặng do cúm A. Kỹ thuật “tim phổi nhân tạo tại giường - ECMO” là một kỹ thuật tiên tiến, hiện đại và hiệu quả cao đã được áp dụng tại khoa Hồi sức tích cực để cứu sống hàng chục bệnh nhân viêm cơ tim cấp có biến chứng sốc tim, ngừng tim trong hai năm vừa qua. Tuy nhiên, đây là lần đâu tiên áp dụng hỗ trợ “phổi nhân tạo” cho một bệnh nhân tổn thương phổi nặng do cúm A. Điều khó khăn nhất của kỹ thuật lúc này là các tạng bị suy rất nặng: phổi, tim, rối loạn đông máu (phải dùng thuốc chống đông trong khi lại bị chảy máu…) ở bệnh nhân phải bất động (do rất nhiều máy cùng hoạt động như máy thở, máy lọc máu, máy tim phổi nhân tạo, các máy theo dõi, rất nhiều bơm tiêm điện, máy truyền dịch); thời gian áp dụng thường dài (trên 14 ngày); nhiều nguy cơ như tụt hoặc tắc các ống thông mạch máu, nguy cơ nhiễm trùng, tắc mạch rối loạn đông máu, chảy máu…
Suốt 3 tuần, bệnh nhân đã bị hôn mê, chỉ sống dựa hoàn toàn vào máu móc. Tuy nhiên, phép màu kỳ diệu của y học đã xảy ra, bệnh nhân đã tỉnh, tự thở được, sức khỏe đã dần ổn định. Cháu bé đã được chăm sóc và khỏe mạnh. Hai mẹ con đã được ôm nhau trong sự vui mừng của hai gia đình. Ngày 23.4, sau hơn 1 tháng điều trị, thoát khỏi cửa tử, hai mẹ con chị Hương đã được xuất viện. Nghẹn ngào xúc động trong buổi lễ tiễn bệnh nhân, chị Hương tâm sự: em không biết nói gì hơn, chỉ biết gửi lời cảm ơn tới tập thể các bác sỹ Bệnh viện Bạch Mai đã cứu sống em. Khi tỉnh dậy trên giường bệnh sau 3 tuần hôn mê, lúc đó, em mới biết mình được sống. Em cảm ơn các bác sỹ nhiều lắm.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) cũng nhận định, với tình trạng của cháu bé hiện tại, trẻ bú tốt, khoẻ mạnh… cháu hoàn toàn có thể phát triển bình thường. GS.TS Ngô Quý Châu, PGĐ BV Bạch Mai cho biết, qua ca bệnh được cứu sống một cách ngoạn mục này có thể thấy, để có được thành công trong công tác cứu chữa BN Bùi Thị Lan Hương là nhờ, sự chỉ đạo khẩn trương, tích cực của lãnh đạo BV Bạch Mai, huy động toàn bộ nguồn lực của BV và hợp tác tốt giữa các bác sĩ trong toàn BV (như Khoa Hồi sức tích cực, khoa Gây mê Hồi sức, Khoa Sản, khoa Nhi, khoa Huyết học –truyền máu, sinh hoá, vi sinh, chẩn đoán hình ảnh, phẫu thuật tim mạch, truyền nhiễm, dược lâm sàng, dinh dưỡng). Đồng thời, tập thể cán bộ, nhân viên khoa Hồi sức tích cực đã làm việc khẩn trương, liên tục, có phương pháp khoa học bất kể ngày đêm trong hơn hai tuần, theo dõi sát sao, phát hiện và xử trí những biến cố nhanh nhất.
Cảnh báo, mặc dù cúm A(H1N1) được cho là cúm thường, nhưng vẫn có tỷ lệ nhất định bị biến chứng nặng, nhất là phụ nữ có thai. Vì vậy, khi có những biểu hiện của cúm, nếu tự điều trị hai ngày không chuyển biến cần đến ngay cơ sở y tế thăm khám để có những biện pháp điều trị kịp thời.