Các bác sĩ BV Bạch Mai đã liên tiếp cứu sống ngoạn mục nhiều ca bệnh tưởng chừng như vô phương cứu chữa bằng kỹ thuật hỗ trợ phổi nhân tạo (ECMO). Thành công này mở ra thêm nhiều cơ hội sống cho người bệnh, đồng thời cho thấy sự sáng tạo, tận tâm vì người bệnh của đội ngũ thầy thuốc áo trắng.
SKĐS - Các bác sĩ BV Bạch Mai đã liên tiếp cứu sống ngoạn mục nhiều ca bệnh tưởng chừng như vô phương cứu chữa bằng kỹ thuật hỗ trợ phổi nhân tạo (ECMO). Thành công này mở ra thêm nhiều cơ hội sống cho người bệnh, đồng thời cho thấy sự sáng tạo, tận tâm vì người bệnh của đội ngũ thầy thuốc áo trắng.
Các bác sĩ BV Bạch Mai đã liên tiếp cứu sống ngoạn mục nhiều ca bệnh tưởng chừng như vô phương cứu chữa (như suy hô hấp cấp không đáp ứng với thở máy) bằng kỹ thuật hỗ trợ phổi nhân tạo (ECMO). Thành công này mở ra thêm nhiều cơ hội sống cho người bệnh, đồng thời cho thấy sự sáng tạo, tận tâm vì người bệnh của đội ngũ thầy thuốc áo trắng.
Sáng ngày 24/3, BV Bạch Mai đã tổ chức lễ tiễn ra viện cho BN được cứu sống bằng kỹ thuật này.
Những ca bệnh đầy thách thức
Tối ngày 10/2/2015, BN Đỗ Thị L., 57 tuổi (tại Cầu Giấy, Hà Nội) được chuyển đến khoa Hồi sức tích cực, BV Bạch Mai trong tình trạng suy hô hấp nặng. BN có tiền sử xuất huyết giảm tiểu cầu điều trị bằng các thuốc ức chế miễn dịch kéo dài dẫn đến biến chứng. Trước đó, BN biểu hiện sốt, mệt mỏi, trên phim phổi có tổn thương ít. Tuy nhiên trên nền suy giảm miễn dịch nên bệnh diễn biến nhanh, mặc dù được điều trị kháng sinh tốt, thuốc tăng cường miễn dịch. Sau 4 ngày tình trạng nặng, suy hô hấp nhiều nên BN được chuyển đến BV Bạch Mai.
Khi vào khoa Hồi sức tích cực, BN trong tình trạng nguy kịch, suy hô hấp nặng không đáp ứng với các biện pháp thở oxy, thở máy, chỉ số oxy máu của BN là 45 (bình thường > 400) với oxy tối đa. Tại đây, các bác sĩ đã hội chẩn chẩn đoán hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển mức độ nguy kịch, không đáp ứng với thở máy, ở BN suy giảm miễn dịch, đái tháo đường. Sau đó bệnh diễn biến nặng với biến chứng sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng. Bằng tất cả các biện pháp hồi sức tiên tiến nhất nhưng không có kết quả, trước thể trạng của BN, các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn toàn viện. Hội đồng chuyên môn quyết phải sử dụng “vũ khí cuối cùng”, đó là ECMO để cứu sống người bệnh.
Ngay trước lúc làm ECMO, khó khăn lớn nhất là nhiều lúc oxy BN xuống rất thấp < 10% nên các bác sĩ luôn luôn đứng bên cạnh BN để điều chỉnh các thong số, điều chỉnh các biện pháp tốt nhất của thở máy để cầm cự cho đến khi hệ thống ECMO hoạt động. Bằng sự nổ lực hết mình các bác sĩ đã làm việc liên tục trong 3 giờ liền để đảm bảo hệ thống ECMO được hoạt động. Sau khi kết nối được với hệ thốngECMO, oxy máu của BN được đảm bảo.Tia hi vọng cuối cùng của những người thầy thuốc đã được thắp lên nhưng đồng nghĩa với phía trước còn rất nhiều thách thức như những người làm “xiếc trên dây”. Trong thời gian làm ECMO, các y bác sĩ phải theo dõi, ghi chép, điều chỉnh liên lục từng giờ. Có lúc, tình trạng BN vô cùng xấu, các bác sĩ phải liên tục túc trực, hội chẩn để tìm phương án tối ưu. Cuối cùng, sau 4 tuần BN đã cai được máy thở, bác sĩ điều chỉnh hằng ngày để cai, bỏ được máy thở cho BN tự thở.
PGS. TS Nguyễn Gia Bình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực cho biết, đối với những gia đình có người thân không may bị viêm phổi nặng biến chứng suy hô hấp như bác L. thì ECMO chính là biện pháp cuối cùng, là tia hi vọng, là chiếc đũa thần mang họ trở về từ bàn tay tử thần. Hình ảnh BN L. ăn được thìa cháo đầu tiên không chỉ là niềm vui mừng khôn xiết của gia đình mà còn là sự động viên tinh thần lớn lao đối với đội ngũ bác sĩ – những người đang ngày đêm từng giờ, từng phút không ngừng nghỉ mang nụ cười trở lại cho gia đình các BN.
Một trường hợp khác, BN Trần Văn Đ., 30 tuổi, quê tại Nam Định được khám và chẩn đoán phù phổi cấp - suy thận mạn giai đoạn cuối. BN được đặt nội khí quản, thở máy, lọc máu liên tục, kháng sinh nhưng tình trạng không cải thiện, suy hô hấp nặng lên, Xquang phổi có hình ảnh tổn thương nặng. Sau 5 ngày điều trị không cải thiện, BN được nhập vào khoa Hồi sức tích cực trong tình trạng suy hô hấp nặng do viêm phổi BV biến chứng sốc nhiễm khuẩn biến chứng suy đa tạng. Tiến hành điều trị bằng các biện pháp hồi sức tích cực như thở máy, gây mê để BN nằm yên, lọc máu hấp phụ độc tố không có kết quả, các bác sĩ đã để quyết định điều trị bằng tim phổi nhân tạo. 4 ngày sau, BN giảm dần được hỗ trợ của máy tim phổi nhân tạo, phổi hoạt động dần trở lại. BN tiếp tục được cai dần máy thở, mở khí quản và tự thở được.
PGS. TS Nguyễn Gia Bình cho hay, dịp Tết Nguyên Đán vừa qua, khoa Hồi sức tích cực đã nổ lực hết mình để đảm bảo lực lượng tốt nhất chữa trị cho các BN nặng, nguy kịch. Đặc biệt là những BN rất nặng mà trước đây thường là hết cách cứu chữa như suy hô hấp cấp không đáp ứng với thở máy.
Hằng ngày, hằng giờ các thầy thuốc, điều dưỡng luôn theo sát diễn biến của BN, và chăm sóc phát hiện xử trí kịp thời diễn biến của bệnh. Sau gần một tháng ròng rã với nhiều nỗ lực của cả tập thể, có thể nói BV Bạch Mai đã tái sinh lại những BN tử như đã hết cơ hội cứu chữa.
Theo PGS. Bình, để có được thành công này là do sự quan tâm sát sao, chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo BV. Ngoài ra sự thành công trong công tác điều trị, BV đã tập trung toàn bộ trí tuệ, công sức của tập thể các khoa như Hồi sức tích cực, Hô hấp, Ngoại, Sản, Vi sinh lâm sàng, Dược lâm sàng, Chẩn đoán hình ảnh, Huyết học, Sinh hóa…
Nói về kỹ thuật ECMO, BS. Phạm Thế Thạch cho biết, ECMO là tên viết tắt của phương pháp “oxy hóa qua màng ngoài cơ thể”. Đây là phương pháp sử dụng tuần hoàn và trao đổi oxy bên ngoài cơ thể nhằm hỗ trợ chức năng sống ở các bệnh nhân suy tuần hoàn hoặc suy hô hấp nặng. Phương pháp ECMO được áp dụng trong hai tình huống:
Thứ nhất là trong các bệnh lý của phổi mà khi đã được tiến hành các biện pháp hồi sức hô hấp tích cực như thở ôxy, thở máy mà lượng ôxy máu vẫn thiếu (ví dụ như trong hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển, suy hô hấp nặng do viêm phổi...).
Thứ hai là trong các bệnh lý của tim khiến tim bị suy giảm sức co bóp, huyết áp tụt không nâng lên được bằng truyền dịch và dùng thuốc co mạch cũng như thuốc làm tăng co bóp cơ tim (như trong viêm cơ tim cấp, sau cấp cứu ngừng tim, suy tim sau phẫu thuật tim...).
ECMO là kỹ thuật phức tạp, cần 1 ekip bác sĩ hết sức chuyên nghiệp để vận hành. Trước đây khi không có ECMO bệnh nhân viêm phổi nặng, suy tim thường tử vong . Từ năm 2012, khi ứng dụng ECMO tại Khoa Hồi sức tích cực, tỷ lệ tử vong đã giảm 70%.
Kỹ thuật trao đổi oxy qua màng ECMO ở bệnh nhân hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển nặng không đáp ứng với thở máy vừa Đạt giải nhất Hội thao kỹ thuật sáng tạo tuổi trẻ ngành Y tế khu vực Hà Nội lần thứ 26 năm 2015 và đã được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tặng Bằng khen.
Theo Dương Hiền (báo sức khỏe đời sống)